Hệ thống vũ khí và hệ thống điện tử Tàu_khu_trục_trực_thăng_lớp_Hyuga

Hệ thống thông tin chiến đấu ATECS

Tàu khu trục lớp Hyuga được trang bị thông tin chỉ huy chiến đấu ATECS do Nhật Bản tự phát triển, hệ thống này được các chuyên gia quân sự Mỹ đánh giá là một hệ thống Aegis "phiên bản Nhật". ATECS được thiết kế để đối phó với một loạt các mục tiêu khác nhau, nó thiết lập một khu vực phòng thủ nội địa (Local Area Defense-LAD) giúp các tàu hoạt động bên trong khu vực này được an toàn hơn.

Hệ thống radar mạng pha 3 tham số (3D) đa chức năng băng tầng kép FCS-3 bao gồm 2 mảng anten lớn và nhỏ đặt cạnh nhau. Mảng anten lớn hoạt động ở băng tần C (bước sóng từ 7,5 đến 3,75 cm) dùng để theo dõi và giám sát mục tiêu. Mỗi mảng anten lớn có khả năng tự động phát hiện, theo dõi các mục tiêu trên không và trên biển cùng lúc với số lượng lên đến 300 mục tiêu. Khi mục tiêu bị phát hiện, mảng anten cảnh giới sẽ tự động đánh giá mối đe dọa và cung cấp tham số về mảng anten điều khiển hỏa lực. Khác với radar dải sóng dm AN/SPY-1D của tàu lớp Kongo, các radar dải sóng cm của Nhật có khả năng phát hiện các mục tiêu kích cỡ nhỏ ở cự ly lên đến 200 km. Tuy nhiên, về mặt đánh chặn mục tiêu ở tầm xa, Akizuki không thể sánh nổi với khả năng của Kongo vì radar AN/SPY-1D công suất mạnh có khả năng kiểm soát tình hình ngay cả ở các quỹ đạo thấp gần trái đất. Mảng anten nhỏ hoạt động ở băng tần X (bước sóng từ 3,75 đến 2,5 cm) có chức năng điều khiển hỏa lực. Sau khi nhận tham số từ mảng anten cảnh giới, bộ vi xử lý của anten sẽ tiến hành theo dõi và xác định chủng loại mục tiêu, nó cũng kiểm soát việc phóng đạn và chiếu xạ sau khi tên lửa được phóng. hệ thống có khả năng dẫn hướng cho cả tên lửa hải đối không, tên lửa chống hạm và pháo hạm, trong khi vẫn duy trì khả năng bảo vệ nhóm chiến đấu trước nhiều mối đe dọa khác nhau.

Hệ thống định hướng chiến đấu OYQ-10 được trang bị hệ thống máy tính điều khiển AN/UYQ-70 của Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ). Thông tin thu nhận được từ hệ thống FCS-3, hệ thống kiểm soát tác chiến chống ngầm và hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp NOLQ-3D ESM/ECM sẽ được tập trung vào hệ thống. Sau đó, với khả năng tính toán siêu tốc, hệ thống máy tính sẽ tự động đánh giá mối đe dọa, ưu tiên mục tiêu, lập kế hoạch và lựa chọn loại vũ khí để tiêu diệt. Hệ thống OYQ-10 được thiết kế dưới dạng các module mở cho phép tạo sự linh hoạt cao trong hoạt động tác chiến và dễ dàng tiến hành các công tác sửa đổi và nâng cấp trong tương lai.

Việc kết nối các hệ thống điện tử trên tàu được thực hiện thông qua hệ thống mạng diện rộng NOYQ-1. Hê thống này kết nối tất cả các thiết bị trên tàu thông qua hệ thống cáp quang tốc độ cao dưới dạng Gigabit Ethernet. Nhờ vậy, khả năng phản ứng và xử lý các tình huống của tàu được nâng lên đáng kể. Hệ thống thông tin liên lạc của tàu ngoài hoạt động trên tần sóng ngắn thông thường (HF), tần số rất cao (VHF) và tần số cực cao (UHF), còn có thể tham gia vào mạng dữ liệu tích hợp (JDN) và Hệ thống dữ liệu chiến thuật Hải quân (NTDS). Được liên kết thông qua hệ thống thông tin liên lạc cấp chiến thuật Linhk14/11/16. Đối với liên lạc vệ tinh, tàu đươc trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh NORA-1C (hoạt động trên băng tần X) dùng để kết nối với vệ tinh SUPERBIRD B2, SUPERBIRD D, NORQ-1 (hoạt động trên băng tần Ku) và USC-42 Mini-DAMA kết nối với FLTSATCOM của Quân đội Liên bang Mỹ. Việc liên lạc giữa các trực thăng và tàu mẹ được thực hiện bởi hệ thống liên kết dữ liệu ORQ-1C. Đây là phiên bản cải tiến của ORQ-1B, một phiên bản số hóa của hệ thống ORQ-1 TACLINK thông thường.

  • Radar quét mảng pha đa chức năng băng tầng kép FCS-3.
  • Giao diện hiển thị - kiểm soát của hệ thống máy tính AN/UYQ-70

Tác chiến phòng không

Trong tác chiến phòng không, tàu khu trục lớp Hyuga được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng 16 ống phóng Mk-41 Mod 22 dùng để phóng tên lửa hải đối không tầm gần RIM 162 ESSM và tên lửa chống ngầm RUM-139 VL ASROC. 16 ống phóng được chia làm 2 cụm, mỗi cụm 8 ống phóng hình hộp. RIM 162 ESSM được bố trí trong 4 ống phóng, 12 ống còn lại được sử dụng các tên lửa chống ngầm. Tên lửa sẽ bắn theo nguyên tắc "phóng nóng" (kiểu phóng nóng nghĩa là động cơ tên lửa được kích hoạt ngay khi trong ống phóng).

Hỗ trợ phòng không tầm thấp và đánh chặn tên lửa hành trình là 2 hệ thống pháo phòng không tầm gần Mk-15 Phalanx CIWS Block 1B Baseline 2, được lắp ở đầu phía trước của sàn đáp và trên bệ đỡ ở mạn trái phía sau của thân tàu.

  • Hệ thống ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk-41 Mod 22.
  • Hệ thống phòng không tầm gần (CIWS) Mk-15 Phalanx Block 1B Baseline 2.

Tác chiến chống tàu mặt nước/chống ngầm

Trong tác chiến chống ngầm, tàu được trang bị sonar kết hợp chủ/bị động phát hiện và xác định vị trí tàu ngầm OQQ-21 gắn cố định trong quả cầu hình giọt nước ở mũi tàu. Ngoài ra, tàu còn có hệ thống nhử mồi ngư lôi kiểu mảng kéo Type 04. Type 04 được điều khiển số hóa và thiết kế kiểu module, có khả năng đánh lừa loại ngư lôi tìm bắt mục tiêu nhờ âm thanh. Khi triển khai, Type 04 được phóng ra từ phía đuôi tàu thông qua ống phóng để phóng ra một phao tiêu hình dây, sử dụng một dây cáp điện đồng trục truyền tín hiệu kéo theo phía đuôi tàu. Bên trong phao tiêu là một thiết bị phát âm thanh dưới nước, sử dụng phương thức điện tử hoặc điện cơ để phát ra tín hiệu âm thanh dụ ngư lôi. Do tín hiệu phát ra mạnh hơn cả tín hiệu âm thanh của tàu nên có thể bảo vệ cho tàu không bị tấn công.

Hỏa lực chống ngầm của bao gồm tên lửa chống ngầm RUM-139 VL ASROC phóng từ Mk.41 Mod 22 và 3 cụm phóng ngư lôi với 3 ống phóng 324mm HOS-303 ở bên hông tàu. Hiện nay, tên lửa chống ngầm RUM-139 VL ASROC đang dần được thay thế bằng loại Type 07 hiện đại hơn do Nhật tự sản xuất trong nước. Ống phóng ngư lôi HOS-303 là phiên bản mới nhất của hệ thống ống phóng ngư lôi Type 68 đã được sử dụng rộng rãi trên các tàu chiến của JMSDF, HOS-303 được dùng để vận hành loại ngư lôi Type 97 mới. Hệ thống phóng được thiết kế có khả năng xoay, điều hướng và bắn từ xa (riêng việc bắn có thể thực hiện tại chỗ bằng tay) nhắm tới mục tiêu cần diệt. Các ống phóng được làm từ vật liệu sợi thủy tinh hoặc kim loại, bên trong ống được bọc một lớp sợi thủy tinh để có thể bảo quản ngư lôi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Nhật Bản.

Tàu còn được trang bị radar chuyển hướng, dẫn đường OPS-20C. OPS-20C được phát triển dựa trên cơ sở OPS-20B.

  • Radar chuyển hướng, dẫn đường OPS-20C
  • Ống phóng ngư lôi 324mm HOS-303.
  • Ngư lôi hạng nhẹ Type 97

Tác chiến điện tử

Hệ thống tác chiến điện tử NOLQ-3C

Các hệ thống tác chiến điện tử của Hyuga bao gồm hệ thống tác chiến điện tử NOLQ-3C ESM/ECM và hệ thống mồi bẫy Mk-137 SRBOC. Hệ thống NOLQ-3C được cấu thành bởi hai bộ phận chính là trinh sát điện tử và gây nhiễu điện tử. NOLQ-3C được điều khiển bởi một máy tính tốc độ cao có khả năng xử lý, quản lý hàng nghìn phép tính/giây và được vận hành bằng phương thức tự động hoặc bán tự động. Trong đó, bộ phận trinh sát điện tử sử dụng băng tần hỗ hợp nên có khả năng mở rộng dải trinh sát với độ chính xác lên tới 1 độ và phạm vi bao phủ 360 độ. Còn bộ phận gây nhiễu điện tử được cấu thành bởi 4 annten, mỗi anten có khả năng tác nghiệp một góc 90 độ với tổng cộng 140 dải tần số khác nhau. Hệ thống này có thể cùng một lúc gây nhiễu đối với 80 bộ radar với thời gian phản ứng trước các tình huống cực ngắn.

Hệ thống Mk-137 SRBOC có bán kính tác chiến gây nhiễn là 4 km; công suất gây nhiễu từ 7 - 8 kW; công suất gây nhiễu hồng ngoại từ 3 - 5 kW; độ cao tác chiến là 150m, độ trễ là 3,5 - 0,5 giây; thời gian hình thành khu vực gây nhiễu là 8,5 giây; thời gian hình thành tường hồng ngoại gây nhiễu là 6 giây. Cơ chế hoạt động của Mk-137 đó là phóng ra các quả rocket chứa nhiều lá nhôm để tạo các mục tiêu giả qua đó đánh lừa hệ thống đầu dò mục tiêu trên tên lửa của đối phương, từ đó khiến tên lửa đối phương bắn nhầm mục tiêu.[1][2]